Tin Tức
Tin tức ACBRS
 
  Hoạt động M&A BĐS vẫn sẽ sôi động trong vài năm tới 
Cập nhật ngày 13/03/2015
 

Hiện tại, thị trường bất động sản (BĐS) đã bão hòa sau giai đoạn tăng trưởng nóng, nhu cầu chuyển nhượng dự án đã nảy sinh và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vài năm tới cùng với sự khó khăn về vốn của nhiều chủ đầu tư.







Đây là nhận định của ông Đặng Xuân Minh, TGĐ Công ty AVM Việt Nam - công ty chuyên cung cấp những dịch vụ chuyên sâu, hỗ trợ, tư vấn, xúc tiến, đầu tư kinh doanh, mua bán sáp nhập (M&A) khi trao đổi với phóng viên.

- Xu hướng M&A các dự án BĐS sôi động, nở rộ trong những năm gần đây. Trên cương vị là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có đánh giá như thế nào?

Đầu tiên phải khẳng định rằng, tình hình BĐS trong nước là cơ hội để M&A dự án nở rộ. Năm 2011-2013, cùng với sự suy thoái của kinh tế vĩ mô, thị trường BĐS rơi vào trầm lắng, giá nhà đất giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp địa ốc phải chịu lãi cao dẫn tới thua lỗ và giải thể hoặc ngừng hoạt động. Thậm chí, một số công ty BĐS lớn cũng phải đối mặt với vấn đề này.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến các chủ đầu tư phải bán rẻ một phần hoặc toàn bộ dự án mà họ đã theo đuổi 3-5 năm, thậm chí 10 năm là căng thẳng về tài chính, bao gồm cả sức ép trả nợ, thiếu tiền triển khai hạ tầng và phát triển dự án tiếp. Những doanh nghiệp có dự án bị đình trệ lâu ngày, thiếu hụt về tài chính buộc họ phải quyết định bán lỗ bằng mọi giá, miễn là có thể thu hồi vốn thực hiện dự án khác cũng trở nên phổ biến hơn. Dưới góc độ khác, tình hình đó trở thành cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, thâu tóm thêm tài sản của các nhà đầu tư tiềm lực về nguồn vốn. Đặc biệt, những nhà đầu tư này còn có thể mua lại dự án với mức giá chỉ khoảng từ 40-50% mức giá được xác định trước đó.

 





- Thưa ông, hoạt động M&A đã tác động tới doanh nghiệp, thị trường và tồn kho BĐS trong thời gian qua như thế nào?

Dưới góc độ thị trường, hoạt động M&A sôi động, bùng nổ đã góp phần giảm số lượng những dự án bị "treo", đẩy mạnh sự chuyển động và phát triển chung. Trong thời gian vừa qua, thực tế hàng loạt dự án BĐS dang dở vì chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Vì thế, M&A đã giúp dự án tăng hiệu quả sử dụng, đẩy nhanh tiến độ triển khai và tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, M&A giúp doanh nghiệp bán giải quyết khó khăn và có nguồn lực mới để tiếp tục hoạt động. Đây cũng là cách giúp doanh nghiệp mua phát triển, mở rộng hoạt động, tăng vị thế trên thương trường với chi phí bỏ ra thấp.

Thống kê cho thấy, thời gian để phát triển một dự án BĐS có thể kéo dài 5-10 năm. Do đó, khi mua dự án, nhất là dự án đã hoàn thiện về mặt thủ tục, sẵn sàng để triển khai, bán hoặc dự án đã xong được các khâu tốn nhiều thời gian như quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng... (các loại hình dự án BĐS thường được những nhà đầu tư săn lùng mua) có thể giúp mua tiết kiệm được chi phí lên tới hàng trăm tỷ đồng so với đầu tư phát triển một dự án tương tự ngay từ đầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp mua giảm thiểu được thời gian chuẩn bị, xây dựng, phát triển dự án kéo dài do thủ tục, thi công, có thể bán để hưởng lợi ngay. Doanh nghiệp còn mua được dự án với giá thấp vì các chủ đầu tư cũ cắt lỗ, lợi ích từ những thương vụ M&A được tăng lên gấp bội.

- Nhiều chính sách BĐS sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Theo ông, những quy định mới sẽ tác động như thế nào tới hoạt động M&A BĐS?

Các nội dung này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường nói chung, đồng thời góp phần làm tăng sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, những thương vụ M&A BĐS sẽ được thúc đẩy và sôi động hơn nữa.

- Xu hướng của thị trường M&A BĐS 2015 và những năm tiếp theo sẽ ra sao, thưa ông?

Đối với thị trường BĐS, các nhà đầu tư đang hy vọng, từ năm 2015 sẽ khởi sắc hơn. Trên thực tế, một số phân khúc hiện đã có những tín hiệu tích cực. Nhưng chúng ta không nên hy vọng giải quyết ngay những tồn tại của các giai đoạn trước vì thị trường có sự phân hóa.

Thị trường BĐS năm 2015 sẽ tiếp tục đón nhiều thương vụ M&A, trong đó có cả thương vụ chuyển nhượng dự án nhằm tiếp tục triển khai và thương vụ chuyển nhượng kinh doanh ở các dự án đã hoàn thiện như trung tâm thương mại, khách sạn. Những nhà đầu tư nội địa cũng sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn song song với với những nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động săn lùng, tìm mua dự án chuyển nhượng. Theo đó, sản phẩm được hướng tới nhiều nhất vẫn là những dự án có pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi, tập trung ở hai thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội.

- Trân trọng cảm ơn ông!           

                                                                                                                                     (Theo Kinh tế & Đô thị Online)
 Bản in    Gởi bạn bè    Quay Lại
  Các bài viết khác :
 Quy hoạch chung cư: Tầm nhìn và...
 Thị trường BĐS: Khách hàng...
 Tin tức, dự án bất động sản...
 ACBRS “Gởi trọn yêu thương”...
 Thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên...
 Những điều cần biết về...
 Lễ trao sổ đỏ dự án đất...
 Ưu đãi 30% phí dịch vụ xác...